Bình ổn giá vàng: thuốc chưa đủ liều

Thứ Sáu, 26/02/2010, 07:45 (GMT+7)

TT – Mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát giá thế giới của Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đạt được. Giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới dù đã có vài chục triệu USD được tung ra để nhập vàng. Giá vàng vẫn cao do cơ quan hữu quan chưa đánh giá đúng sức mua của thị trường vàng.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi can thiệp thị trường vàng thông qua Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là đưa giá vàng trong nước sát giá thế giới (quy đổi theo tỉ giá do ngân hàng niêm yết), qua đó kéo giá USD tiền mặt tại thị trường tự do ngang với giá của ngân hàng.

Giá vẫn cao

Ngày 25-2, ngay sau tuyên bố can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước, giá vàng đã giảm trên 1 triệu đồng/lượng nhưng chỉ năm ngày sau tăng lại. Sau Tết Nguyên đán, dù mãi lực rất thấp nhưng giá vàng trong nước ngày càng cao so với giá thế giới.

SJC cho biết từ sau Tết Nguyên đán trung bình mỗi ngày chỉ bán ra 5.000-6.000 lượng vàng, bằng 1/5 so với trước tết. Khách chủ yếu là tiệm vàng và khách hàng mua lẻ, các ngân hàng cũng có mua nhưng rất ít. Không còn tình trạng rồng rắn xếp hàng như thời điểm trước tết.

Tại các công ty vàng khác, sức mua cũng yếu hẳn. Cuối ngày 25-2 giá vàng thế giới ở mức 1.089 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết đã tính thuế và phí khoảng 25,4 triệu đồng/lượng. Với giá bán 26,32 triệu đồng/lượng, giá vàng của SJC cao hơn giá thế giới 930.000 đồng/lượng.

Đại diện SJC cho biết giá vàng trong nước còn cao do hai nguyên nhân: giá thế giới giảm nhanh nên giá vàng trong nước không theo kịp và do lô vàng trước đó đã được nhập với giá cao nên không thể giảm theo sát giá thế giới.

Muối bỏ biển

Trước thời điểm bán can thiệp bình ổn giá, trung bình mỗi ngày SJC bán ra 4.000-5.000 lượng, tuy nhiên kể từ ngày 5 đến 12-2 doanh số bán ra tăng lên 30.000 lượng/ngày. Đại diện SJC cho biết đến nay đã bán ra thị trường trên 150.000 lượng vàng, tương đương hơn 4.000 tỉ đồng. Trong đó hơn 100.000 lượng bán ra trước Tết Nguyên đán. Mua chủ yếu là các cửa hàng vàng, công ty vàng bạc đá quý, ngân hàng và một số ít người dân.

Nhiều công ty vàng cho biết khi gọi điện đến đặt hàng thì không mua được. Trong khi đó những công ty cử đại diện đến xếp hàng cho biết chỉ được bán nhỏ giọt vài chục lượng, do vậy không đủ nguồn hàng cung ứng cho khách hàng.

SJC cho rằng do nhu cầu quá lớn nên họ chỉ chốt giá bán khi nhận tiền nhằm tránh nhu cầu ảo, vì nhiều đơn vị chốt giá nhưng không nộp tiền tạo nhu cầu giả tạo cho thị trường nhằm đẩy giá lên. SJC cũng khẳng định không có tình trạng thu tiền rồi ghi phiếu hẹn như phản ảnh của một số đơn vị, mà sau khi người mua nộp tiền vào tài khoản SJC sẽ giao hàng ngay.

Chủ sàn vàng khó, thị trường không yên

Giá vàng trong nước chưa giảm về sát giá thế giới, dù chủ trương bình ổn giá vàng được thực hiện, là do Ngân hàng Nhà nước đánh giá chưa đúng sức mua của thị trường vàng, bốc sai thuốc. Vài tấn vàng được nhập về, tốn ngoại tệ nhưng mục tiêu đặt ra vẫn còn xa vời.

Ai đang mua vàng? Nếu trước đây chỉ có người dân thì gần đây, sau những hoạt động đầu cơ vàng và kinh doanh vàng tài khoản, có thêm những chủ sàn vàng nằm trong danh sách những người muốn mua vàng. Khác với nhu cầu mua vàng của dân, các chủ sàn vàng mua với số lượng lớn, ít là vài tấn, nhiều cả chục tấn vàng. Các chủ sàn vàng mua nhiều để “dọn dẹp” sàn vàng và đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Ngoài ra còn có nhu cầu mua vàng để đầu cơ giá.

Với một lực mua như thế nhưng Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép cho SJC nhập vàng để bán ra thị trường. Số lượng vàng do SJC nhập không nhiều, mục tiêu là bán lẻ, vì thế khi giá vàng vừa được kéo xuống, lập tức giới đầu cơ vàng và một số chủ sàn vàng đã xen vào mua đẩy giá vàng tăng lại. Khi chưa đáp ứng nhu cầu mua vàng của các chủ sàn vàng thì khó kéo giá vàng giảm.

Giới đầu cơ cũng rất nhạy, họ biết nhu cầu mua vàng của chủ sàn vàng rất lớn, trong khi lượng vàng do SJC bán chẳng thấm vào đâu nên tranh thủ giá vừa giảm là hốt ngay. Một lượng vàng để bình ổn giá đã rơi vào tay giới đầu cơ để tiếp tục đưa đẩy giá vàng trong thời gian tới.

Vì vậy, muốn đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới, việc đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước phải giúp các chủ sàn vàng đóng tài khoản vàng. Phải xem đó là giải pháp cả gói nhằm ổn định thị trường và giá vàng.

Các chủ sàn vàng nói họ cũng chẳng muốn chen chân mua vàng SJC. Thực tế chủ sàn vàng đã hợp đồng mua vàng từ nước ngoài, thậm chí có đơn vị đã trả một phần tiền nhưng lại không có giấy phép nhập khẩu để mang vàng về. Vì thế, họ phải trông vào nguồn vàng ở trong nước. Họ chờ giá vàng trong nước giảm xuống là mua, biết làm như thế giá vàng sẽ tăng lại nhưng vẫn phải làm vì áp lực phải đóng tài khoản vàng ở nước ngoài trước 31-3. Có chủ sàn vàng cho biết nếu không được nhập vàng sẽ kiến nghị gia hạn thời gian đóng tài khoản vàng tại nước ngoài để giảm sức ép buộc phải mua vàng ở cùng một thời điểm ở thị trường trong nước.

Cung chưa thỏa mãn cầu thì giá vàng vẫn ở mức cao. Vì thế, chỉ khi Ngân hàng Nhà nước mở cơ chế để các chủ sàn vàng “dọn dẹp” xong số vàng đã bán trước đây thì mới có cơ sở để kéo giá vàng trong nước giảm xuống. Cho các chủ sàn vàng nhập vàng, giải quyết một lần cho xong, xem đó là chi phí để dọn dẹp sàn vàng, còn hơn cứ để nhùng nhằng, chủ sàn vàng khó, thị trường vàng cũng chẳng yên.

Các chủ sàn vàng được quyền mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới, họ bán vàng ở trong nước và mua vàng ở nước ngoài hoặc ngược lại để hưởng chênh lệch. Việc mua vàng ở nước ngoài nhằm cân bằng trạng thái vàng: bán bao nhiêu, mua lại bấy nhiêu. Bán trong nước giá cao, mua ở nước ngoài giá thấp. Việc làm này cũng có rủi ro là vàng ở nước ngoài là vàng trên tài khoản, muốn chuyển thành vàng miếng thì phải có giấy phép nhập khẩu nhưng không phải lúc nào cũng được cấp. Và một rủi ro khác mà các chủ sàn vàng không tính đến là quy trình bán trong – mua ngoài và ngược lại đã bị đứt gánh khi Chính phủ quyết định đóng cửa sàn vàng và chấm dứt kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.

Với quyết định này, nếu không được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng, các chủ sàn vàng phải bán vàng ở nước ngoài, sau đó phải mua lại vàng ở thị trường trong nước, tạo áp lực lên giá vàng trong nước.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Chat zalo
Chat zalo