Giới thiệu về hội

Lý do vì sao Hội Kim Hoàn Sài Gòn được thành lập và mục đích hoạt động của hội là gì? Bài viết ngay sau đây sẽ giới thiệu về hội cũng như giải đáp các thắc mắc vừa rồi về hội, mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!

Giới thiệu về Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn

Năm 1991, Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Tp. Hồ Chí Minh được thành lập là sự quyết tâm của các tập thể và các vị lão thành trong nghề mỹ nghệ kim hoàn tại Tp. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.

Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Tp. Hồ Chí Minh (SJA) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động tính đến nay là vừa tròn 30 năm (1991-2022) theo Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 6.4.1991 của UBND TP.HCM. Nhìn lại chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, SJA đã kết nạp được nhiều hội viên mới, hợp tác mở rộng thị trường mới, đào tạo nghề cho hơn 10.000 học viên, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội và giáo dục.

Hội hoạt động với mục đích: “Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, đồng thời học hỏi trao đổi những kinh nghiệm, những kỹ thuật đặc sắc của các vùng miền, từ đó lưu trữ những tinh hoa bản sắc của ngành nghề cho đời con cháu sau này, giáo dục cho con cháu truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ghi công lập đức, làm điều phước thiện để trả ơn tổ nghiệp”.

Mục đích cao cả ấy đã được sự quan tâm đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chấp thuận cho phép thành lập Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 118/QĐ-UB ngày 06/04/1991 của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh với tên gọi ban đầu là Hội Mỹ nghệ Vàng bạc Đá quý TP. Hồ Chí Minh.

Hội đã đóng góp những gì sau những năm hoạt động?

Căn cứ vào kết quả thực hiện sau nhiều năm hoạt động của Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý Tp. Hồ Chí Minh. Từ đây, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Tp. Hồ Chí Minh tự nhận định lại mình để xây dựng những chương trình hành động sắp tới có hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo hội viên, nhu cầu rộng lớn của xã hội hiện nay.

Dưới đây là các thông tin về những thành tích mà Hội đã đạt được trong suốt những năm qua:

1. Công tác tổ chức, xây dựng, phát triển Hội

  • Vào năm 2015 – 2020, Đại hội đã bầu ra 35 Ủy viên Ban Chấp hành.
  • Qua 6 nhiệm kỳ hoạt động, tên Hội được đổi 3 lần: Hội Mỹ nghệ Vàng bạc Đá quý (1991-1996), Hội Mỹ nghệ Kim hoàn (1996 – 2005) và hiện nay là Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh.
  • Trải qua 6 nhiệm kỳ, hiện nay có 1.882 hội viên, bình quân tăng 5%/năm, chất lượng hội viên tham gia được quan tâm nhiều hơn.
  • Hội 8 lần tổ chức xét và làm lễ tôn vinh công nhận 106 Nghệ nhân Kim hoàn TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 16 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng và vinh danh nghệ nhân ưu tú nhằm ghi nhận những công lao đóng góp của các nghệ nhân có quá trình lâu năm gắn bó với nghề nghiệp.

2. Công tác xúc tiến thương mại sản xuất và hỗ trợ xuất khẩu

Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng nữ trang: Đáp ứng nhu cầu phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kim hoàn trên cả nước.

Hoạt động xúc tiến thương mại:

  • Các hội chợ chuyên ngành trong nước do Công ty Vàng bạc Đá quý SJC tổ chức hằng năm tại TP. Hồ Chí Minh đã quy tụ hàng trăm doanh nghiệp trong, ngoài nước tham dự và tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia thi sản phẩm nữ trang.
  • Ngoài hội chợ và hội thi sản phẩm nữ trang, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận còn tổ chức hội thi thiết kế mẫu nữ trang 2 năm/lần. Đây là hoạt động rất mới cho ngành kim hoàn thành phố đang rất cần một lực lượng có tư duy, sáng tạo thêm cái mới cho ngành trang sức kim hoàn Việt Nam.

Về sản xuất kinh doanh:

Hội luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hội viên để cải tiến chất lượng và sản lượng hàng hóa, mẫu mã phong phú, chuyên nghiệp, chất lượng đảm bảo, phong cách bán hàng hiện đại, tạo “sức đề kháng” vững vàng, đủ mạnh để cạnh tranh cùng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và cả vươn xa ra thế giới như nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện đang có sức ảnh hưởng lớn tại thị trường nhiều nước trên thế giới như công ty PNJ, KHP,…

3. Công tác khoa học kỹ thuật

Về đào tạo dạy nghề:

Đã xây dựng một Trung tâm Dạy nghề Mỹ nghệ Kim hoàn với kinh phí đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng do các ủy viên Ban chấp hành đóng góp, được Uỷ ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho phép hoạt động. Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 7/2004, đến nay đã đào tạo được 5.919 học viên, đã cấp chứng chỉ tốt nghiệp nghề cho 3.858 học viên, giới thiệu việc làm ổn định cho 2.834 học viên.

Công tác kiểm tra sát hạch bậc nghề kim hoàn:

Nhằm đáp ứng theo nguyện vọng của người thợ kim hoàn lao động ở các doanh nghiệp có cơ sở đảm bảo quyền lợi khi họ lao động với tay nghề có được, Hội đã biên soạn và đăng ký Bộ tiêu chuẩn kỹ năng bậc thợ kim hoàn và được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho phép xác định bậc thợ cho người lao động đang làm việc trong ngành kim hoàn tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Bộ tiêu chuẩn kỹ năng bậc thợ kim hoàn từ 2013 đến năm 2016. Hội đã kiểm tra cấp bằng chứng nhận bậc nghề ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý cho 130 thợ kim hoàn.

Hội thảo cải tiến, sáng chế, phát minh khoa học kỹ thuật – Hoạt động hội chợ hằng năm:

Ban tổ chức Hội chợ Nữ trang kết hợp với các đơn vị và chuyên gia nước ngoài có những gian hàng trưng bày và giới thiệu các thiết bị công nghệ mới phục vụ ngành kim hoàn.

4. Công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội về chính sách của Nhà nước

  • Hội đã có những kiến nghị phản biện về chủ trương chính sách của Nhà nước đối với việc tổ chức quản lý ngành vàng bạc đá quý và Chính phủ đã có những sửa đổi điều chỉnh.
  • Hội tiếp tục cùng Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam có những tác động đến các cơ quan liên quan như Thuế, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ để kiến nghị với Chính phủ tiếp tục đổi mới hơn nữa các chính sách quản lý ngành vàng bạc đá quý cho phù hợp hơn, thông thoáng hơn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
  • Hội đã phối hợp Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn về vốn, vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

5. Công tác tài chính

Kinh phí hoạt động của Hội chủ yếu từ nguồn thu hội phí và đóng góp của thành viên Ban Chấp hành. Tài sản và tài chính của Hội được quản lý thống nhất theo quy định Nhà nước hiện hành.

Hội chưa hoạt động kinh tế có hiệu quả. Dù có đơn vị trực thuộc làm công tác giáo dục đào tạo nghề, có tổ chức làm dịch vụ kinh tế có nguồn thu, nhưng do các hoạt động phải đầu tư mua sắm thiết bị, thu chỉ đủ bù chi. Vì vậy, các đơn vị trực thuộc mới hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động văn phòng.

6. Công tác văn hóa nghệ thuật – xã hội – thể dục thể thao

  • Câu lạc bộ Nghệ nhân Kim hoàn là nơi quy tụ, tập hợp các nghệ nhân, thợ kim hoàn giỏi nghề, trong đó có những nghệ nhân lớn tuổi không còn làm nghề cũng thường xuyên lui tới trao đổi, giao lưu, học tập lẫn nhau, giáo dục truyền thống, lòng yêu nghề để phát triển, bảo tồn ngành nghề.
  • Hội đã tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa, mang đậm nét truyền thống của nghề cổ truyền dân tộc, như Nhân kỷ niệm Sài Gòn 300 năm, Câu lạc bộ có gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm có giá trị truyền thống được Ban tổ chức đánh giá cao.
  • Hội vận động cộng đồng hội viên tham gia đóng góp xây 17 căn nhà tình nghĩa trị giá 873.000.000 đồng, nuôi 4 bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến cuối đời, xây 49 căn nhà tình thương trị giá 321.000.000 đồng, xây 33 cây cầu giao thông nông thôn trị giá 4.492.000.000 đồng.

7. Thi đua khen thưởng

  • Tại Đại hội nhiệm kỳ IV (2005-2010) và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội (1991-2005), Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen cho Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1241/QĐ-TTG ngày 13/09/2006.
  • Đại hội Nhiệm kỳ V (2011-2015), Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 303/QĐ-CTN ngày 11/3/2011 của Chủ tịch nước.
  • Chính phủ tặng Bằng khen cho 02 cá nhân theo quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 08/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
  • Năm 2013, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công nhận tập thể Lao động xuất sắc cho Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 439/QĐ- UBND ngày 23/01/2014 của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh
  • Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 47 tập thể và 149 cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng phát triển Hội, 76 Giấy Khen cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc công tác dạy nghề.

 

8. Công tác văn phòng

Sau Đại hội lần III năm 2000, Văn phòng Hội được chuyển về 586 Trần Hưng Đạo, phường 14, quận 5, là Đền thờ Tổ nghề Kim hoàn, Di tích Lịch sử Quốc gia Hội Quán Lệ Châu.

Năm 2013, Hội được Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh chấp thuận thành lập trang thông tin điện tử tổng hợp theo Giấy phép số 15/GP-ICP-STTTT cấp ngày 01/03/2013.

Hội chấp hành nghiêm chỉnh các nghị quyết, quy chế và tham gia tích cực các chương trình hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, tranh thủ sự hướng dẫn của Sở Nội vụ, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định.

 

Chat zalo
Chat zalo