“LỄ GIỔ TỔ TRUYỀN THỐNG TỔ NGHỀ THỢ BẠC VIỆT NAM”
HỘI MỸ NGHỆ KIM HOÀN ĐÁ QUÝ TP.HCM
Trân trọng kính mời toàn thể Quý doanh nghiệp kinh doanh & sản xuất gia công vàng bạc đá quý đến tham dự:
“LỄ GIỔ TỔ TRUYỀN THỐNG TỔ NGHỀ THỢ BẠC VIỆT NAM”
Thời gian: ngày 25-26-27/02/2023 (Mùng 6,7,8 Tháng 2 AL)
Địa điểm: 586 Trần Hưng Đạo, Phường 14, Quận 5, TP,HCM (Lệ Châu Hội Quán)
Vào tháng 2 âm lịch hàng năm, các nghệ nhân kim hoàn, những người kinh doanh vàng lại nô nức với ngày giỗ tổ như một hoạt động đầy ý nghĩa: uống nước nhớ nguồn.
Theo sử sách lưu lại, người có công khai sáng nghề kim hoàn Việt chính là hai vị tổ sư họ Cao: Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. Ông Cao Đình Độ sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, ông rất ham học và được truyền thụ nền giáo dục của đạo Nho. Lớn lên ông làm nghề bịt đồng nhưng không nguôi niềm đam mê lớn trong ông là trở thành một người thợ kim hoàn xuất sắc. Để học được nghề, ông phải cải trang người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Tính hiếu học và lòng trung thực của ông khiến chủ tiệm kim hoàn người Hoa cảm động, quý mến và truyền nghề cho ông. Với ý chí phải học cho thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc và không từ chối bất cứ việc gì chủ sai bảo. Công sức của ông đã được đền đáp xứng đáng, tay nghề ông ngày càng thành thạo và đạt trình độ kỹ thuật tinh xảo đủ sức tranh tài với những thợ kim hoàn người Hoa khác tại đất Thăng Long thời bấy giờ.
Năm 1783, Ông đưa vợ con vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con. Thừa hưởng đức tính thông minh của cha, cong trai ông – Cao Đình Hương, tiếp thu nghề kim hoàn một cách nhanh chóng và trở thành một nghệ nhân thành thục trong nghề. Tại Thuận Hóa, Ông Cao Đình Độ có thu nhận để tử, truyền nghề cho họ. Làng Kế Môn trở thành làng nghề kim hoàn từ đó.
Dưới thời vua Quang Trung, danh tiếng Ông Cao Đình Độ được lan truyền đến triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập cơ vệ Ngân Tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung điện. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh Binh, cùng gia đình sống tại làng Cao Hậu, huyện Hương Trà.
Đến khi Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục nghề kim hoàn trong cung điện.
Năm 1810, Ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Bằng cách nhìn nhạy bén của người trong nghề, Cao Đình Hương nhìn thấy hoài bão của cha mình sẽ bị mai một theo thời gian, không những thế, nghề kim hoàn sẽ bị thất truyền nếu ông chỉ quanh quẩn phục vụ trong cung vua. Ông quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp gia đình. Nghề kim hoàn ở miền Trung từ đó mà được nhân rộng.
Cảm phục tài nghệ và danh tiếng Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề kim hoàn cho ba người con trai: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và ba người cháu: Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo, Huỳnh Nhật. Ròng rã suốt 11 năm truyền dạy cho các học trò, năm 1821, Ông Cao Đình Hương qua đời. Trước khi mất, tâm huyết sau cùng của ông là mong muốn học trò của mình đem nghề kim hoàn truyền bá rộng rãi trong dân gian.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây… Dù ngày nay và cả mai sau, vàng bạc, nữ trang được sản xuất trên dây chuyền hiện đại đi chăng nữa, Tổ thờ vẫn luôn được coi trọng và những ngày giỗ Tổ như thế này vẫn luôn được tiếp nối.