Than thở vì không được nhập vàng
26/02/2010 14:47 (GMT+7)
(VnEconomy) Nhiều doanh nghiệp kim hoàn đang nhấp nhổm không yên vì đã nộp đơn xin nhập khẩu vàng, nhưng chưa được cấp phép. Đã ba tuần kể từ khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng cường bán vàng miếng ra thị trường để đưa giá vàng trong nước về ngang giá thế giới, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 600.000 – 700.000 đồng/lượng.
Một dây chuyền đóng gói vàng miếng SBJ của Sacombank-SBJ tại Tp.HCM – Ảnh: Reuters.
Mức chênh lệch “khó chấp nhận”
Ngày 5/2, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp vào thị trường vàng vật chất bằng cách yêu cầu SJC bán vàng ra thị trường. Cùng với đó, SJC cũng là doanh nghiệp duy nhất được cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng trong đợt nhập khẩu đầu năm nay. Hiện chưa có con số chính xác về khối lượng vàng được công ty này nhập về, nhưng ước tính có ít nhất 8 tấn vàng đã được SJC nhập trong tháng 2/2010.
Song song với việc nhập vàng, SJC cũng tăng cường bán vàng miếng ra thị trường để bình ổn giá. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh của SJC, vào ngày 5/2, ngay sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, SJC đã tung ra 30.000 lượng vàng, từ khối lượng bán ra chỉ vài ba ngàn lượng mỗi ngày trước đó. Từ thời điểm đó tới nay, SJC đã bán ra cho người dân và các đối tác là doanh nghiệp trên 150.000 lượng vàng, phục vụ mục đích bình ổn thị trường.
Một lãnh đạo doanh nghiệp kim hoàn phía Nam cho hay, cùng với SJC, hai ngân hàng thương mại lớn nữa có hoạt động kinh doanh vàng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu (không chính thức) bán ra hàng chục ngàn lượng vàng để can thiệp thị trường vào ngày 5/2.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, có thể nói biện pháp can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước thông qua SJC vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cụ thể, nếu lấy tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Vietcombank ở mức 19.100 VND/USD để quy đổi giá vàng thế giới lúc 11h40 ngày 26/2 là 1.110 USD/oz, cộng thêm 1% thuế nhập khẩu và 30.000 phí gia công mỗi lượng vàng, thì mức giá này tương ứng với 25,85 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, SJC công bố giá vàng miếng thương hiệu này bán ra cho thị trường Tp.HCM ở mức 26,43 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 580.000 đồng/lượng.
Thậm chí, ngay trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, khi người dân tăng mua vào nhằm tranh thủ giá vàng thế giới có sự điều chỉnh giảm mạnh, giá vàng trong nước đã có lúc cao hơn giá vàng trong nước cả triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, theo đại diện của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 80.000-100.000 đồng/lượng là hợp lý. “Mức chênh lệch cao hơn mức này là khó chấp nhận”, đại diện này nói.
Nguồn cung vẫn căng?
Một số ý kiến cho rằng, nếu mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đủ hấp dẫn, thì hoạt động nhập khẩu vàng sẽ lại gia tăng sau một thời gian lắng xuống. Một khi hoạt động nhập lậu vàng diễn ra, thì giá USD thị trường tự do sẽ lại được đẩy lên, kéo giãn khoảng cách với tỷ giá USD ngân hàng. Trong khi đó, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi can thiệp bình ổn giá vàng là nhằm hạ nhiệt giá USD tự do, đưa giá USD tại thị trường này về sát hơn với giá USD ngân hàng.
Lý giải về việc giá vàng trong nước đã được can thiệp, vàng nhập về đã nhiều, mà giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới, ông Tường cho biết, ba ngày đầu tuần này, giá vàng thế giới liên tục giảm, giá vàng trong nước chưa thể theo kịp vì có độ trễ nhất định.
Trong khi đó, theo một số ý kiến, đây là kết quả của tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn còn tồn tại. Thậm chí, có người còn cho rằng, đang xảy ra tình trạng “làm” giá!
Lãnh đạo một doanh nghiệp kim hoàn tại Hà Nội thì cho rằng, việc kinh doanh vàng trước đây có 4 “mặt trận”, gồm vàng vật chất trong nước và nước ngoài, sàn vàng trong nước và vàng tài khoản ở nước ngoài. Đến nay hai “mặt trận” là kinh doanh sàn vàng và vàng tài khoản ở nước ngoài đã bị đóng, nhiều doanh nghiệp lại chưa được cấp kim ngạch nhập vàng, nên tất cả bị dồn vào “mặt trận” còn lại, gây tình trạng căng thẳng.
Có chuyên gia nhận định, ngoài nhu cầu của người dân, các ngân hàng và công ty có hoạt động kinh doanh sàn vàng cũng đang có nhu cầu mua vàng để cân đối trạng thái vàng và giải quyết việc đóng cửa sàn vàng trước ngày 30/3/2010. Bởi vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới có thể là do cung cầu vẫn mất cân đối, bất chấp sức mua vàng vật chất của người dân hiện không cao.
“Nhiều ngân hàng trước đây thu hút vàng gửi của dân và bán ra nay phải mua lại để trả cho dân. Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng phải mua vàng để cân đối trạng thái sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu chấm dứt kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đại diện của Hiệp hội Vàng Thế giới tại Việt Nam, nói.
Doanh nghiệp kim hoàn bức xúc
Trao đổi với VnEconomy, đại diện nhiều doanh nghiệp vàng đang tỏ ra khá bức xúc vì chưa được cấp phép nhập khẩu vàng.
“Do không được nhập khẩu vàng và không được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, chúng tôi phải mua bán đối ứng vàng tại thị trường trong nước. Hiện nay, SJC phát giá bao nhiêu thì chúng tôi phải mua với giá bấy nhiêu và bán ra ở mức cao hơn chút đỉnh để kiếm lời”, đại diện của PNJ nói.
Cũng theo đại diện của PNJ, để giá vàng hạ, giải pháp là không nên để việc nhập khẩu vàng tập trung vào một đầu mối duy nhất là SJC như hiện nay. “Không ai có thể dự báo chính xác được giá vàng thế giới nên các doanh nghiệp kim hoàn bán bao nhiêu vàng trong ngày là phải mua vào bấy nhiêu để cân đối trạng thái. Nếu được phép nhập vàng thì chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc mua bán và yên tâm khi bán vàng ra thị trường sát với giá thế giới”, đại diện này nói.
Ông Khánh cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước hiện đang chỉ để một đầu mối là SJC được nhập vàng có thể xuất phát từ chỉ đạo của Chính phủ. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 369/TB-VPCP ban hành ngày 30/12/2009, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rà soát lại tất cả các quy định hiện hành về quản lý vàng để trình Chính phủ ban hành thành một nghị định quản lý đối với vàng, theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với loại hàng hóa đặc biệt này.
“Vì vàng được xem là hàng hóa đặc biệt nên có lẽ Ngân hàng Nhà nước không cho nhập đại trà mà muốn có sự tập trung để thuận tiện cho việc quản lý”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, sự chênh lệch giá vẫn còn tồn tại giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là một bằng chứng cho thấy, nguồn vàng mà SJC được nhập về từ đầu năm tới nay vẫn chưa đủ sức bình ổn thị trường như mong muốn của Ngân hàng Nhà nước. “Để giá vàng trong nước về ngang giá thế giới như mục tiêu thì cần có thêm một số đơn vị nữa được nhập vàng. Như thế, sẽ tránh được tình trạng dư luận cho rằng thị trường vàng đang xảy ra tình trạng độc quyền hay làm giá”, ông Khánh đề xuất.
Nguồn: VnEconomy